Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 20/7/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, có 1.656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017 và có 627 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,95 tỷ USD, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Cả nước có 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ 2017.
Trong 7 tháng năm 2018, theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn đạt 9,63 tỷ USD, chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,69 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Quan sát trên thị trường thời gian qua cho thấy, tập đoàn Hinokiya của Nhật Bản cùng Tập đoàn Thế giới Kỹ thuật (TWG) của Việt Nam đang xúc tiến thành lập một liên doanh để phát triển các dự án bất động sản ở trong nước, sau khi hai bên đã ký kết hợp tác chiến lược để cùng phát triển các dự án ở Việt Nam vào ngày 22/6.
Theo đó, liên doanh với tỷ lệ góp vốn 50:50, nhằm triển khai việc phát triển dự án tại TP.HCM có tổng diện tích đất 9,7 ha, trong đó giai đoạn 1 thực hiện khoảng 2,7 ha.
Tại Bình Dương, hồi giữa tháng 5/2018, Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial), một liên doanh giữa Quỹ đầu tư Warburg Pincus và Tổng công ty Becamex IDC, cũng đã chính thức ra mắt.
Với số vốn ban đầu khoảng 200 triệu USD, trong đó đối tác nước ngoài góp 70%, BW Industrial hướng tới việc cung cấp nhà kho hiện đại, nhà xưởng xây sẵn cho thuê, nhà xưởng xây theo yêu cầu của khách hàng và các sản phẩm liên quan đến bất động sản công nghiệp để đáp ứng cho các tập đoàn đa quốc gia.
Hiện liên doanh đã mua 8 dự án với hơn 2 triệu m2 đất công nghiệp đang được phát triển ở Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Ninh để phục vụ cho mục tiêu nói trên
Lĩnh vực bất động sản gần đây xuất hiện thêm những dự án có quy mô vốn lớn. Đơn cử vào cuối tháng 3 vừa qua, tập đoàn Amata Việt Nam đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới để phát triển dự án thành phố công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh với quy mô lên đến 714 ha.
Mới đây, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã đón giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Lotte Mall Hà Nội xây khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày tại Hà Nội với số vốn đầu tư lên đến 600 triệu đô la Mỹ.
Đáng chú ý là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư lên đến 4,138 tỉ USD của một nhà đầu tư Nhật Bản. Đây cũng là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn cam kết lớn nhất từ đầu năm đến nay, góp phần đáng kể vào kết quả thu hút vốn FDI những tháng đầu năm.
Cụ thể, một nhà đầu tư Nhật khác là Tập đoàn khách sạn Mikazuki cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào một dự án ở Đà Nẵng. Với diện tích gần 11,5 ha, dự án phát triển nhằm đáp ứng một khu phức hợp khách sạn, công viên nước, công viên giải trí và khu ẩm thực đẳng cấp năm sao phía trước bãi biển Đà Nẵng.
Cũng theo công ty tư vấn và quản lý bất động sản này, vào tháng 3/2018, CapitaLand đã mua lại khoảng 0,9 ha tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án này bao gồm một khu dân cư 380 căn hộ, khoảng 21.400 m2 diện tích văn phòng, và hơn 19.300 m2 diện tích bán lẻ.
Keppel Land, một nhà phát triển Singapore khác cũng đã mua 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng một cộng đồng – Saigon Sports City – với khoảng 11,4 triệu USD. Với diện tích 64 ha, dự án này sẽ bao gồm khoảng 4.300 căn nhà cao cấp với đầy đủ cơ sở vật chất cho thể thao, giải trí, mua sắm và ăn uống.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI cam kết vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục có chiều hướng tăng cao và đang ở vị trí thứ 2 trong 7 tháng của năm 2018.. Kết quả này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và khá đa dạng, từ phát triển nhà ở đến sản xuất công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và du lịch…
Tiến sĩ Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight cho biết xu hướng sắp tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn sẽ tiếp tục cơ cấu để nguồn vốn chạy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhưng cũng vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các dự án bất động sản có giá phù hợp đáp ứng đúng nhu cầu ở thực của người dân.
Từ đó, NHNN vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch và tăng trưởng ổn định để giúp hệ thống ngân hàng có điều kiện giải quyết các món nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, tạo điều kiện giảm lãi cho vay với các doanh nghiệp bất động sản kinh doanh hiệu quả.
Không chỉ vậy, ông Tín cho rằng bất động sản sẽ còn được hỗ trợ bằng nguồn vốn đến từ nhà đầu tư nước ngoài và thị trường chứng khoán. Hiện nay, trong các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì bất động sản vẫn đang đứng thứ hai.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán VN-Index sau khi giảm đã quay lại ngưỡng gần 1.050, dự báo sắp tới vẫn tiếp tục tăng trưởng căn cứ từ tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay. Khi thị trường chứng khoán phát triển tốt, doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, trung dài hạn phù hợp dòng tiền và hoạt động kinh doanh doanh nghiệp và khả năng tài chính của người dân.